Ngày xưa, khi chưa có bộ Luật nào quy định về quyền trẻ em hay chưa có ai đề cập tới những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam thì các cụ thường quan niệm rằng đặt tên con càng xấu càng dễ nuôi. Thế nhưng, ngày nay không như vậy, ba mẹ nào cũng muốn đặt cho con mình một cái tên thật đẹp, thậm chí là “độc nhất vô nhị”.
Nhưng liệu ba mẹ có biết rằng ở Việt Nam cũng có những cái tên bị cấm đặt và chính quyền sẽ từ chối làm giấy khai sinh nếu bố mẹ muốn dùng tên ấy cho con? Cùng tìm hiểu về điều luật thú vị này thông qua bài viết dưới đây!
Pháp luật Việt Nam cấm đặt những cái tên như nào?
Việc đặt tên có lẽ là một trong những vấn đề khiến bố mẹ vô cùng trăn trở từ lúc biết con trẻ đang dần hình thành trong bụng mẹ. Có những gia đình lên chùa cầu phúc, xin tên cho con. Nhưng có những gia đình coi đó là một chuyện bình thường và đặt một cái tên tùy ý. Tuy nhiên, dù gia đình đặt tên gì cho con cũng nên tránh những cái tên sau.
Đặt tên bằng số hoặc ký tự đặc biệt
Có lẽ không bố mẹ nào nghĩ tới việc đặt tên con là Nguyễn Thị 1 hay Trần Văn # hoặc Hoàng Minh @,… Tuy nhiên, một số người lại muốn tạo sự đặc biệt và dùng những cái tên ấy. Điều này không được cho phép bởi Pháp luật của Việt Nam. Bởi việc đặt tên con bằng số và ký tự đặc biệt sẽ gây khó khăn trong việc thống kê dữ liệu hộ gia đình và quản lý hộ tịch.
Tên đặt “cho Tây”, giống người nước ngoài
Nếu gia đình gọi con bằng Marry, Micheal hay Alan như một biệt danh hay tên gọi ở nhà thì không sao. Nhưng bố mẹ sẽ bị từ chối nếu khai sinh cho con bằng những cái tên như Đặng Minh Jack, Đào Ngọc Rose,… Đúng là nghe thì thấy con mình “tây” hơn nhưng điều này cũng sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý. Hơn nữa, tiếng Việt mình rất đẹp, cần gì một cái tên “tây” mà lại không ăn nhập với văn hóa? Ba mẹ có thể đặt tên con một cách thuần Việt hoặc theo phương ngữ dân tộc.
Những cái tên châm biếm, xúc phạm người khác
Trên thực tế, chẳng bố mẹ nào muốn dùng tên – thứ sẽ theo con suốt cả cuộc đời để sỉ nhục và lăng mạ người khác. Hơn nữa, vấn đề này còn được quy định trong Khoản 3, Điều 26 Bộ Luật Dân sự 2015: “Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (…)”. Vì vậy, gia đình hãy lưu ý điều này để tránh những sự việc không đáng có.
Không đặt những cái tên quá dài
Khoản 4, Điều 6 Thông tư 04/2020/TT – BTP được Bộ Tư pháp quy định như sau: “Việc xác định họ, dân tộc, đặt tên cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng.” Những giấy tờ tùy thân sẽ chỉ có một kích thước chung cho cả nước, vì vậy sẽ không có trường hợp ngoại lệ nào cho người có cái tên quá dài.
Để đảm bảo các quyền lợi và tương lai suôn sẻ cho con, ba mẹ nên tránh đặt những cái tên đọc mãi không hết như Trần Đặng Linh San Bằng Một Thành Phố hay Nguyễn Đăng Khoa Thi Cử Luôn Đỗ Đạt,… Những cái tên này nghe thì thú vị nhưng không hề tốt cho con!
> Xem thêm:
- Những danh lam thắng cảnh ở Việt Nam
- Những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam
- Việt Nam thuộc múi giờ thứ mấy?
Lưu ý khi đặt tên cho con
Ngoài quy định của Pháp luật về những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam thì gia đình có thể đặt cho con, cháu bất cứ cái tên nào mà ông bà, bố mẹ mong muốn. Tuy nhiên, để con có một tuổi thơ êm đềm, không bị trêu chọc vì cái tên, gia đình nên lưu ý những điều sau.
- Không đặt tên mang ý nghĩa xấu: Nhiều nơi quan niệm rằng tên thường vận vào người. Vì vậy, “có kiêng có lành”, ba mẹ không nên đặt cho con những cái tên như Lê Vũ Bão, Trần Sóng Thần,…
- Những cái tên phạm húy ông bà, tổ tiên: Dù không có pháp luật nào quy định điều này nhưng để dành sự tôn trọng cho những bậc phụ lão trong gia đình thì không nên đặt tên con theo tên ông bà, tổ tiên.
- Những cái tên khi đọc lên khó phân biệt nam hay nữ: Bé nam sẽ bị trêu chọc nếu có tên giống nữ và bé nữ cũng tương tự. Hơn nữa, đặt tên như vậy sẽ khiến việc nhầm lẫn giới tính của con trong các loại giấy tờ sau này dễ dàng xảy ra.
- Không đặt tên bắt theo “trend” – xu hướng: Người Việt Nam thường hay nổi hứng đặt tên con theo các xu hướng nổi bật cho thêm màu sắc. Ví dụ, thời gian vừa qua đang nổi lên phong trào đọc phiên âm mọi thứ thành tiếng Việt, nên có người bố đã kịp thời đăng ký giấy khai sinh cho con với cái tên Vũ Đô Rê Mon – một cái tên không vi phạm bất cứ điều luật nào mà còn rất đáng yêu nhưng lại thật “khó hiểu”.
- Không nên đặt tên khó đọc, khó phát âm: Có những vị phụ huynh đặt tên cho con chỉ với một thanh dấu, ví dụ như Trần Bình Thuần, Đặng Ngọc Định, Nguyễn Hữu Lĩnh,… tuy đặc biệt, dễ nhớ nhưng lại rất khó để đọc cái tên ấy.
- Đặt tên mà viết không dấu sẽ gây hiểu lầm: Nhiều giấy tờ sẽ yêu cầu viết họ tên không dấu nên bố mẹ hãy lưu ý điều này khi đặt tên cho con.
- Không nên đặt tên con theo các vấn đề chính trị gây tranh cãi: Chắc hẳn không bố mẹ nào muốn tên con cũng gây tranh cãi như những vấn đề chính trị ấy.
- Những cái tên mang kỳ vọng của cha mẹ áp đặt lên con cái: Không nên đặt cho con những cái tên mang ý nghĩa quá hoàn mỹ, việc đó sẽ khiến con bị bạn bè trêu chọc.
Đặt tên – một công việc tưởng chừng dễ dàng nhưng lại vô cùng khó khăn. Có những gia đình nghĩ cả chín tháng mười ngày vẫn không tài nào đặt được cho con một cái tên ưng ý. Mặc dù tên có thể thay đổi nếu làm lại giấy khai sinh nhưng con cái nào cũng muốn cái tên mà bố mẹ, ông bà đặt cho mình phải thật hay mà không cần đổi nhiều lần. Chính vì vậy, dù mất thời gian hay không thì bố mẹ hãy lưu tâm thật kỹ khi đặt tên cho trẻ.
Trên đây là một số kiến thức thú vị đề cập tới những cái tên bị cấm đặt ở Việt Nam. Mong rằng bạn và gia đình sẽ có thêm một thông tin bổ ích. Chúc bạn thuận lợi trong “công việc” đặt tên cho con mình.